Với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tạo điều kiện liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ; Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là hoạt động thường niên do Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tổ chức từ năm 2012; là một nội dung hợp tác thương mại quan trọng trong tổng thể Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Sau 12 năm tổ chức, Hội nghị từng bước phát triển về quy mô, hoàn thiện về phương thức tổ chức; trở thành hoạt động xúc tiến định kỳ hàng năm của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung... là các địa phương tham gia xuyên suốt trong nhiều năm qua.
Năm 2024, Hội nghị kết nối cung cầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước tìm kiếm cơ hội kết nối với hệ thống chợ, các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.
Với chủ đề “Kết nối trách nhiệm – Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh”, Hội nghị năm nay có nhiều hoạt động đổi mới thiết thực, phong phú, thực tiễn đối với doanh nghiệp, gồm:
1. Hội nghị Sơ kết 06 tháng triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Đây là nội dung mới, được Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ tháng 3 năm 2024; Chương trình nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hướng đến chuỗi cung ứng Bền vững - An toàn - Trách nhiệm - Minh bạch; góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng.
Với ý nghĩa “Nâng trách nhiệm hôm nay - Mạnh thế hệ mai sau”; Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Lãnh đạo 08 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam xác định rõ cam kết, quyết tâm vượt mọi rào cản; kiên trì giải pháp nâng trách nhiệm của tất cả các bên,
Cụ thể như sau:
Nhà cung cấp: tự giác, nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, phát hiện và tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng; đây là hành động trách nhiệm, được người tiêu dùng và nhà bán lẻ tín nhiệm, đánh giá cao, được gắn “Tick xanh trách nhiệm”.
Nhà bán lẻ: cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.
- Người tiêu dùng: trách nhiệm giám sát, cảnh báo, chung tay ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; ưu tiên lựa chọn sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm.
- Nhà nước: trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa; phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động.
2. Hoạt động kết nối B2B trực tiếp:
Giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 04 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước: 01 phiên kết nối tập trung ngày 26/9/2024 và 06 phiên kết nối chuyên đề ngày 27/9/2024.
Hoạt động kết nối năm nay không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên; Sở Công Thương tập trung giải pháp “sau kết nối”; theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho... trong giai đoạn đầu.
3. Hoạt động kết nối trực tuyến:
Chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok được tổ chức bởi Melive Network - Mạng lưới nhà sáng tạo nội dung thương mại mạng xã hội (Social Commerce MCN) hàng đầu tại Việt Nam với chủ đề “Mega Live hàng Việt - Sản phẩm OCOP tiêu biểu” từ 9:00 đến 23:00 ngày 26/9, thực hiện 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành. Tập trung những sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP; nổi bật, danh tiếng như Yến đảo Cần Giờ, Dừa sáp Trà Vinh, Mật ong Gia Lai, Ba khía đầm dơi Cà Mau, Pate cột đèn Hải Phòng, Cà phê Arabica Cầu Đất, Sâm Thừa Thiên Huế, Miến dong Tây Bắc, Gạo ST25...
Chiến dịch “Đặc sản vùng miền trên Lazada” từ ngày 26-29/9 với mục tiêu kết nối doanh nghiệp với thị trường trực tuyến; quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, vùng miền trên sàn thương mại điện tử.
- Các phiên kết nối thương mại điện tử chuyên đề theo địa phương (Đồng Tháp, Nghệ An...)
- Các hoạt động hướng dẫn khởi tạo gian hàng thương mại điện tử và tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại gian hàng, xuyên suốt thời gian diễn ra sự kiện.
- Hoạt động kết nối cung cầu trực tuyến trên website ketnoicungcau.vn
Sở Công Thương kỳ vọng hoạt động kết nối trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp... quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc của chính doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tiềm năng, cơ hội phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, bán hàng thông qua mạng xã hội...
4. Không gian trưng bày:
Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, quy mô tương đương 700 gian hàng với nhiều không gian đặc sắc như: Không gian sản phẩm đặc sắc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung; khu gian hàng các địa phương: Long An, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Quảng Nam...
Một số sản phẩm đặc sắc tiêu biểu được giới thiệu tại Hội nghị như:
- Trâu gác bếp, mắc kén, châm chéo, miến dong, lạp xưởng hun khói, bánh Pẻng phạ, thịt muối chua, gạp nếp Mộc Châu, táo mèo, trà giảo cổ lam... đến từ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- Bánh cốm Hà Nội, bánh đậu xanh, bánh gai, chả rươi, bánh đa mè, mì chũ... đến từ Vùng đồng bằng Sông Hồng
- Tỏi Lý Sơn, mạch nha Mộ Đức, hương quế Trà Bồng, kẹo gương, giẻ bò, nem, chả trẻ, mắm nhum, bò một nắng, hải sản khô, hạt đác, nước mắm... đến từ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Sâm Ngọc Linh, cà phê, mật ong, thổ cẩm... đến từ Vùng Tây Nguyên.
- Hạt điều Bình Phước, muối Tây Ninh, yến Cần Giờ, bánh tráng Củ Chi, hải sản khô một nắng... đến từ vùng Đông Nam bộ.
- Trái cây miền Tây, nem Lai Vung, trà sen Đồng Tháp, kẹo dừa Bến Tre, mắm Châu Đốc, bánh Pía Sóc Trăng, lạp xưởng Cần Đước... đến từ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
5. Các hoạt động khác:
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành xem đây là cơ hội trình diễn sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến hệ thống phân phối, người tiêu dùng Thành phố; chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc ngay tại gian hàng. Điển hình như khu vực gian hàng Long An sẽ tái hiện không gian nhà tranh, xuồng chở trái cây, khu vực gian hàng Đắk Lăk tái hiện không gian văn hoá cồng chiêng, khu vực gian hàng Đồng Tháp tổ chức các buổi tập huấn và livestream bán hàng...
Tương tự các năm trước, Hội nghị năm nay tiếp tục đặt ra yêu cầu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi để bên mua - bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến; chia sẻ thông tin thị trường, tín hiệu thị trường, kinh nghiệm phát triển thị trường, quy chuẩn đưa sản phẩm vào kênh phối hiện đại, phương thức tham gia sàn thương mại điện tử, kênh phân phối truyền thống...; qua đó, góp phần tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, tiết kiệm chi phí tìm kiếm nhà cung ứng của doanh nghiệp phân phối, tiết kiệm chi phí đưa hàng vào kênh phân phối của doanh nghiệp cung ứng.