KẾT NỐI CUNG CẦU TRỰC TUYẾN GIỮA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC TỈNH, THÀNH

(+8428) 3829 1670
Đăng nhập/ Đăng ký

Quên mật khẩu

Mời bạn nhập số điện thoại đã đăng ký để lấy lại mật khẩu

Hoặc

 tải lên giấy phép kinh doanh 

để lấy lại mật khẩu

Xác nhận mã OTP và mật khẩu mới

Mã OTP đã được gửi đến email

Thời gian còn lại: 1:00

Gửi lại mã mới

Lấy lại mật khẩu

Mời bạn cung cấp các thông tin bên dưới để lấy lại mật khẩu mới

Tải lên bản scan giấy phép kinh doanh

Tải lên bản scan giấy xác nhận lấy lại tài khoản

Tải về file mẫu giấy xác nhận

Quy chế thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường

20:14 31/10/2022

NỘI DUNG HỢP NHẤT QUY CHẾ
Triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
(Ban hành kèm theo văn bản số: 2134/SCT-QLTM  ngày 11 tháng 4 năm 2024 của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh)
 
Chương I 
QUY ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về:
1. Phương thức triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chương trình).
2. Trách nhiệm phối hợp triển khai Chương trình giữa các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân Thành phố, cơ quan chuyên môn của Bộ ngành trung ương phụ trách địa bàn Thành phố (gọi chung là sở, ngành), Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
3. Trách nhiệm, quyền lợi của đơn vị tham gia thực hiện Chương trình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện có trách nhiệm phối hợp triển khai Chương trình.
2. Tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là doanh nghiệp) tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện Chương trình.
Điều 3. Nguyên tắc triển khai, thực hiện Chương trình
1. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ.
2. Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia Chương trình.
3. Chương trình triển khai trên cơ sở đồng thuận của doanh nghiệp tham gia.
 
Chương II
CƠ CHẾ THỰC HIỆN
 
Điều 4. Danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường
Danh mục các mặt hàng cụ thể theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường hàng năm của Ủy ban nhân dân Thành phố, bao gồm ở 04 nhóm:
1. Các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu.
2. Các mặt hàng phục vụ học tập.
3. Các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.
4. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Điều 5. Hình thức tham gia thực hiện Chương trình
1. Tham gia cung ứng hàng hóa: doanh nghiệp có ngành nghề, chức năng sản xuất, kinh doanh các nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường (gọi tắt là doanh nghiệp cung ứng).
2. Tham gia phân phối hàng hóa: doanh nghiệp có ngành nghề, chức năng phân phối, bán buôn, bán lẻ (gọi tắt là doanh nghiệp phân phối).
3. Tham gia hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường.
Điều 6. Nguồn cung hàng bình ổn thị trường
1. Nguồn cung hàng bình ổn thị trường do doanh nghiệp thực hiện thông qua hoạt động sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua, nhập khẩu…
2. Doanh nghiệp cung ứng chủ động đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức huy động, cung ứng hàng hóa đúng chủng loại, đủ hoặc vượt số lượng đăng ký; hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp luật về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác… 
3. Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp sở, ngành, địa phương xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ toàn diện, xuyên suốt quá trình huy động nguồn cung hàng bình ổn thị trường của doanh nghiệp cung ứng; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xử ly1 trường hợp vượt thẩm quyền.
4. Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp các sở, ngành, địa phương đề xuất xây dựng và triển khai Đề án Phát triển các Chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường giai đoạn 2022 – 2032.
Điều 7. Phân phối hàng bình ổn thị trường
1. Sản phẩm bình ổn thị trường được phân phối thông qua mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường do doanh nghiệp phân phối, hệ thống đại lý của doanh nghiệp cung ứng và các kênh phân phối khác.
2. Doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp cung ứng chủ động đàm phán phương thức thanh toán, giao hàng, chiết khấu, chi phí kệ hàng… trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác bền vững và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định.
3. Tại điểm bán hàng, doanh nghiệp phân phối có trách nhiệm: 
a) Đồng bộ, tích hợp hệ thống nhận diện thương hiệu Chương trình Bình ổn thị trường cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu của đơn vị (nhận diện tổng thể điểm bán, cụm hàng bình ổn thị trường, bảng giá…)
b) Bố trí khu vực thuận lợi để trưng bày tập trung, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm bình ổn thị trường.
4. Doanh nghiệp cung ứng chủ động triển khai phát triển điểm bán hàng bình ổn thị trường tại kênh phân phối truyền thống, hệ thống phân phối không tham gia Chương trình, kênh phân phối khác.
5. Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp sở, ngành, địa phương xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ toàn diện, xuyên suốt quá trình phân phối hàng bình ổn thị trường, phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường; báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền.
Điều 8. Vốn thực hiện Chương trình
1. Vốn thực hiện Chương trình để đầu tư cơ sở sản xuất, điểm bán hàng; phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu… của doanh nghiệp tham gia Chương trình.
2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm vốn tự chủ của doanh nghiệp, vốn vay từ tổ chức tín dụng và các nguồn huy động khác.
3. Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ xuyên suốt quá trình huy động vốn thực hiện Chương trình; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp thực hiện Chương trình.
Điều 9. Giá bình ổn thị trường
1. Quy ước về giá bán:
a) Giá bình quân thị trường: được tổng hợp từ mạng lưới báo giá của Sở Tài chính, báo giá của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi (không phải là điểm bán Bình ổn thị trường), giá bán lẻ hợp lý do doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đề xuất, tham khảo giá của Cục Thống kê.
b) Giá bình ổn thị trường: là giá bán lẻ các mặt hàng bình ổn thị trường do Sở Tài chính công bố, duy trì cố định đến thời điểm điều chỉnh, công bố tiếp theo.
2. Nguyên tắc xác định Giá bình ổn thị trường:
a) Giá bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực (gạo, mì ăn liền, bánh phở khô, sợi bún khô, nui khô), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, tập học sinh, cặp - ba lô - túi xách học sinh, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: đảm bảo thấp hơn tối thiểu 5% so với Giá bình quân thị trường cùng thời điểm của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng (Giá bình ổn thị trường ≤ Giá bình quân thị trường × 95%).
b) Giá bình ổn thị trường các mặt hàng không quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9: đảm bảo hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.
3. Đăng ký Giá bình ổn thị trường: doanh nghiệp cung ứng đăng ký Giá bình ổn thị trường với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá, yếu tố hình thành giá.
4. Công bố giá Bình ổn thị trường: Sở Tài chính tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký Giá bình ổn thị trường của doanh nghiệp; chủ trì phối hợp sở, ngành, doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối xem xét, xác định và công bố Giá bình ổn thị trường phù hợp quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quy chế này.
5. Điều chỉnh Giá bình ổn thị trường:
a) Điều chỉnh tăng Giá bình ổn thị trường khi doanh nghiệp đề nghị và giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào điều chỉnh tăng hơn 3% so với lần công bố giá liền kề trước. Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị điều chỉnh tăng Giá bình ổn thị trường của doanh nghiệp; Sở Tài chính chủ trì phối hợp sở, ngành, doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối để xem xét, thống nhất.
b) Điều chỉnh giảm Giá bình ổn thị trường khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào điều chỉnh giảm hơn 3% so với lần công bố giá liền kề trước hoặc Giá bình ổn thị trường không phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế này. Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giảm Giá bình ổn thị trường của Sở Tài chính; doanh nghiệp cung ứng có trách nhiệm giải trình đầy đủ, đề xuất mức giá điều chỉnh và phối hợp với Sở tài chính, sở, ngành, doanh nghiệp phân phối để xem xét, thống nhất.
6. Niêm yết giá sản phẩm bình ổn thị trường:
a) Doanh nghiệp phân phối tham gia Chương trình niêm yết và bán đúng Giá bình ổn thị trường tại điểm bán do đơn vị vận hành.
b) Doanh nghiệp cung ứng tham gia Chương trình chịu trách nhiệm niêm yết và bán đúng Giá bình ổn thị trường tại điểm bán do đơn vị liên kết phân phối.
7. Trường hợp biến động giá không theo quy luật thị trường, doanh nghiệp cung ứng xây dựng mức giá phù hợp, báo cáo Sở Tài chính chủ trì họp với các sở, ngành thống nhất tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định Giá bình ổn thị trường phù hợp tình hình thực tế trong giai đoạn biến động giá.
Điều 10. Vận chuyển hàng bình ổn thị trường
1. Phương tiện vận chuyển hàng bình ổn thị trường được nhận diện theo hướng dẫn nhận diện thương hiệu Chương trình Bình ổn thị trường.
2. Doanh nghiệp tham gia Chương trình lập hồ sơ, danh sách phương tiện vận chuyển hàng hóa theo quy định, gửi Sở Giao thông Vận tải xem xét tổ chức giao thông tạm thời cho một số phương tiện lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 11. Hệ thống nhận diện thương hiệu của Chương trình
1. Thành phần hệ thống nhận diện thương hiệu của Chương trình gồm: logo (biểu trưng), khẩu hiệu, bảng màu chủ đạo, quy cách chung trên bao bì sản phẩm, điểm bán hàng, tài liệu, ấn phẩm quảng cáo, phương tiện vận chuyển…
2. Sở Công Thương quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống nhận diện của Chương trình.
3. Doanh nghiệp tham gia thực hiện đồng bộ, tích hợp hệ thống nhận diện thương hiệu Chương trình Bình ổn thị trường cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu của đơn vị.
 
Chương III
DOANH NGHIỆP THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN
 
Điều 12. Điều kiện doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình
1. Điều kiện chung:
a) Doanh nghiệp có chức năng hoạt động phù hợp với hình thức tham gia Chương trình; có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực hoạt động của đơn vị.
b) Doanh nghiệp tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình, có phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đáp ứng quy chế của Chương trình, cam kết có tình hình tài chính lành mạnh.
2. Doanh nghiệp cung ứng:
a) Điều kiện bắt buộc: có năng lực huy động nguồn hàng (sản xuất, kinh doanh…), cung ứng ra thị trường ổn định, xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình với sản lượng tương đương hoặc vượt sản lượng đăng ký tham gia Chương trình của doanh nghiệp.
b) Điều kiện ưu tiên:
- Có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị - công nghệ sản xuất hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
- Có hệ thống phân phối, đại lý hoạt động ổn định trên địa bàn Thành phố.
- Có phương tiện vận chuyển phục vụ phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.
3. Doanh nghiệp phân phối:
a) Điều kiện bắt buộc:
- Trực tiếp vận hành hệ thống mạng lưới điểm bán hàng hoạt động ổn định trên địa bàn Thành phố (tối thiểu 02 siêu thị hoặc 12 cửa hàng trở lên) hoặc trực tiếp vận hành trang thương mại điện tử.
- Có phương án phân phối sản phẩm bình ổn thị trường liên tục, ổn định trong thời gian tham gia Chương trình.
b) Điều kiện ưu tiên: có phương tiện vận chuyển phục vụ phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.
4. Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường: tự nguyện đăng ký cung cấp gói tín dụng, dịch vụ hỗ trợ, vật tư, nguyên vật liệu cho doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường với chính sách ưu đãi.
Điều 13. Quyền lợi của doanh nghiệp tham gia Chương trình
1. Được yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện ưu tiên tập trung hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc… phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa các mặt hàng bình ổn thị trường và đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
2. Được ưu tiên hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đối với các dự án tham gia Chương trình Bình ổn thị trường thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định. 
3. Được hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững từ đầu tư vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ.
4. Được hỗ trợ kết nối, ưu tiên giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố.
5. Được ưu tiên kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để tiếp cận các khoản vay, gói tín dụng ưu đãi, vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường Thành phố xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.
6. Được hỗ trợ vận chuyển hàng bình ổn thị trường theo quy định tại Điều 10 Quy chế này.
7. Được xem xét hỗ trợ kinh phí thamn gia các sự kiện xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ, kết nối cung cầu… có sử dụng ngân sách Thành phố.
8. Được hỗ trợ xác nhận khuyến mại giảm giá theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.
9. Được sử dụng hệ thống nhận diện thương hiệu Chương trình Bình ổn thị trường theo quy định tại Điều 11 Quy chế này.
10. Được ưu tiên giới thiệu truyền thông quảng bá, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông.
11. Được xét khen thưởng quá trình tham gia Chương trình khi tổng kết quá trình thực hiện nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình.
12. Doanh nghiệp cung ứng được hỗ trợ phân phối hàng hoá bình ổn thị trường theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.
13. Tổ chức tín dụng được kết nối cho vay, tài trợ vốn và cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp uy tín, quy mô lớn tham gia Chương trình.
14. Được đảm bảo khả năng thu hồi nợ vay của các Tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn.
Điều 14. Nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia Chương trình
1. Trách nhiệm chung của doanh nghiệp tham gia Chương trình:
a) Thực hiện đúng cam kết của đơn vị, quy định của Chương trình theo Quy chế này và kế hoạch triển khai Chương trình hàng năm của Sở Công Thương.
b) Chủ động triển khai thực hiện Chương trình, kịp thời báo cáo Sở Công Thương khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc để kịp thời hỗ trợ.
c) Tích cực đồng hành cùng Thành phố tham gia phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường tại các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng:
a) Tổ chức huy động, cung ứng hàng hóa theo quy định nêu tại Điều 6 Quy chế này.
b) Tổ chức phân phối sản phẩm bình ổn thị trường theo quy định nêu tại Điều 7 Quy chế này.
c) Đăng ký Giá, tổ chức thực hiện theo quy định nêu tại Điều 9 Quy chế này.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối:
a) Tổ chức phân phối hàng bình ổn thị trường theo quy định nêu tại Điều 7 Quy chế này.
b) Tham gia phân phối nhiều loại sản phẩm bình ổn thị trường; ưu tiên phân phối toàn bộ danh mục sản phẩm của Chương trình.
c) Tích cực đầu tư, phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven, huyện ngoại thành…
d) Tham gia hiệp thương giá, thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá bình ổn thị trường theo quy định nêu tại Điều 9 Quy chế này.
4. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng
Phối hợp với các tổ chức có liên quan để xác thực, nhận diện doanh nghiệp tham gia Chương trình khi cấp tín dụng ưu đãi.
Điều 15. Đăng ký, xét duyệt tham gia Chương trình
1. Doanh nghiệp đối chiếu điều kiện, quyền lợi, trách nhiệm; tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình và cam kết tuân thủ quy định của Chương trình theo quy chế này.
2. Sở Công Thương xây dựng biểu mẫu, quy định thành phần hồ sơ, thông báo mời gọi, tiếp nhận hồ sơ đăng ký; chủ trì phối hợp sở, ngành đánh giá, xét duyệt tham gia Chương trình đối với doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập.
3. Sở Y tế xây dựng biểu mẫu, quy định thành phần hồ sơ, thông báo mời gọi, tiếp nhận hồ sơ đăng ký; chủ trì phối hợp sở, ngành đánh giá, xét duyệt tham gia Chương trình đối với doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.
4. Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng biểu mẫu, quy định thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
 
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
Điều 16. Trách nhiệm của sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện
1. Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện thực hiện nghiêm trách nhiệm hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia thực hiện Chương trình và đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn theo quy định của Quy chế này.
2. Sở Công Thương:
a) Chủ trì đảm bảo việc thực hiện các quy định tại Quy chế này, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh điều tiết thị trường khi có biến động, xử lý nghiêm theo pháp luật, quy định của Chương trình đối với các trường hợp vi phạm.
b) Làm đầu mối tiếp nhận thông tin, phối hợp các đơn vị liên quan xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia thực hiện Chương trình và đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn.
c) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường hàng năm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập.
d) Chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương xây dựng và triển khai Đề án Phát triển các Chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường giai đoạn 2022 – 2032.
e) Chủ động phối hợp Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thực hiện Chương trình.
f) Chủ động phối hợp Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bình ổn thị trường.
g) Quản lý hệ thống nhận diện thương hiệu của Chương trình Bình ổn thị trường.
3. Sở Y tế: chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường hàng năm các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.
4. Sở Tài chính:
a) Chủ trì phối hợp sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận - huyện theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện công bố, điều chỉnh, quản lý Giá bình ổn thị trường theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.
b) Hướng dẫn, tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký Giá bình ổn thị trường của doanh nghiệp; chủ trì phối hợp sở, ngành, doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối xem xét, xác định và công bố Giá bình ổn thị trường theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quy chế này.
c) Trên cơ sở danh sách điểm bán hàng bình ổn thị trường do Sở Công Thương, Sở Y tế cung cấp; Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành, thành phố Thủ Đức, quận - huyện kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của sản phẩm bình ổn thị trường; xử lý nghiêm theo pháp luật, quy định của Chương trình đối vối các trường hợp vi phạm.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thông tin liên quan đến Chương trình Bình ổn thị trường đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn; phối hợp Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các tổ chức tín dụng, huy động vốn thực hiện Chương trình.
6. Sở Giao thông Vận tải: hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng phương tiện lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh để vận chuyển hàng bình ổn thị trường theo quy định tại Điều 10 Quy chế này. Đồng thời, hỗ trợ, xem xét hướng dẫn tổ chức giao thông tạm thời cho các phương tiện có nhu cầu vận chuyển các mặt hàng thực hiện chương trình bình ổn thị trường lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm 15 ngày trước và 15 ngày sau Tết Nguyên đán.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: chủ trì phối hợp cơ quan báo, đài thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình, tinh thần trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Sở An toàn Thực phẩm, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Cục thuế Thành phố, Cục Quản lý Thị trường: phối hợp chặt chẽ Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế triển khai kế thực hiện Kế hoạch Chương trình Bình ổn thị trường hàng năm.
9. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện: quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hoạt động, sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật, quy định của Chương trình và tham gia tích cực các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Các sở, ngành triển khai thực hiện các quy định liên quan thuộc thẩm quyền tại Quy chế, thông tin Sở Công Thương để theo dõi kết quả, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc đề xuất trong quá trình thực hiện.
Điều 17. Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận - huyện; tiếp thu ý kiến chuyên gia, tổ chức, cá nhân; thường xuyên rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh Quy chế này phù hợp tình hình thực tế từng thời kỳ./.
 
SỞ CÔNG THƯƠNG

Tải nội dung Quy chế ( Tại đây