Gặp khó đầu ra
Trong khuôn khổ chương trình, trước đó một ngày đoàn công tác của TPHCM gồm hơn 60 DN do Sở Công thương TPHCM dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế tại một số nhà vườn, DN chế biến nông sản của một số tỉnh khu vực ĐBSCL.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nguồn cung hàng hóa khu vực ĐBSCL thời điểm trước Tết Nguyên đán khá dồi dào, hầu hết mặt hàng có mức giá tương đối ổn định, thậm chí một số giảm khá sâu. Tình cảnh này chưa từng có trước đây!
Đơn cử, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) hiện có 7.800ha cây ăn trái, mỗi năm đưa ra thị trường hàng trăm ngàn tấn sản phẩm với đủ chủng loại đa dạng, phong phú như xoài, cam, chanh, ổi, mít… Dù đang vào mùa cao điểm tết nhưng nhiều loại sản phẩm đang rớt giá khá sâu khiến nông dân hết sức lo lắng. Ví dụ như mít, từ 40.000-50.000 đồng ký, nay còn 4.000-5.000 đồng/ký; nhiều trái cây khác cũng giảm trên dưới 20% so với cùng kỳ.
Cách đó không xa, huyện Thanh Bình (tinh Đồng Tháp) có hơn 3.150ha cây ăn trái, gần 570ha nuôi trồng thủy sản. Nơi đây, ngoài trái cây, còn nổi tiếng bởi các loại cá chép dòn, cá trắm… cung ứng số lượng lớn cho thị trường TPHCM và địa phương trong cả nước. Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng mạnh đến sức mua. Giá thủy sản các loại đang giảm khoảng 20% so với năm 2021, nguy cơ tồn động lớn trước mùa Tết Nguyên đán.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình - Mai Văn Đói đánh giá: "Thời gian qua việc sản xuất của nông dân cũng như nhiều DN, cơ sở sản xuất của địa phương bằng nhiều biện pháp đã nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều hạn chế, bởi chủ yếu sản phẩm tươi chưa qua chế biến; chưa có đối tác, đầu mối tiêu thụ hàng hóa lớn. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng kết nối hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp bà con nông dân cải thiện được đầu ra trong thời gian tới”.
Tham gia cùng đoàn công tác tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Hữu Trí phụ trách Quản lý chất lượng Công ty TNHH San Hà (TPHCM) cho biết, từ tháng 9-2021, doanh nghiệp đã ký kết thu mua gia súc, gia cầm từ nhà vườn khu vực ĐBSCL cho cả năm 2022 với mức giá tương đối ổn định.
“Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt, nguồn nguyên liệu gia súc gia cầm tăng cao. Việc nhà nông giữ nguyên giá gia súc, gia cầm như năm 2021 cho thấy đầu ra hiện nay cũng như sắp tới đang hết sức khó khăn, các bên cùng nhau chia sẻ”, ông Nguyễn Hữu Trí nói.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các DN, Sở Công thương TPHCM và các tỉnh, gồm các nội dung: 1. Về xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp; 2. Về kết nối tiêu thụ hàng hóa phục vụ tết; 3. Về nguồn hàng hóa phục vụ tết và logistics; 4. Về phát triển thương mại điện tử và thu mua hàng hóa. |
Xây chuỗi cung ứng bền chặt
Hầu hết DN, hợp tác xã lẫn lãnh đạo của 5 tỉnh tham dự hội nghị đều thừa nhận, việc nuôi trồng, sản xuất, chế biến còn manh mún, chưa có sự liên kết để cùng phát triển. Đặc biệt, thời gian qua nhiều DN chỉ tập trung vào xuất khẩu, chưa chú trong thị trường nội địa khiến khi xảy ra sự cố như mới đây tại cửa khẩu phía Bắc, tiêu thụ sản phẩm bị lúng túng, ách tắc.
Trước thực trạng này, đại diện hệ thống chợ đầu mối, bán lẻ đến từ TPHCM “hiến kế”, các DN khu vực ĐBSCL và sở ngành địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ, tạo chuỗi liên kết để sản phẩm đầu ra không bị phụ thuộc vào thương lái tháo túng, phải xây đựng được hệ thống phân phối chính quy, đưa sản phẩm trực tiếp đến nhà bán lẻ.
Mặt khác, nhà vườn, DN cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt lưu ý về quy trình trồng trọt, truy xuất nguồn gốc, giá cả hợp lý... Bởi hiện nay, truy trình hàng hóa vào hệ thống chợ, siêu thị hết sức khắt khe về chất lượng sản phẩm và giả cả phải hợp lý.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá, ĐBSCL có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, từ thói quen lâu năm, chưa được định hướng rõ ràng nên người nông dân thường có xu hướng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, dễ dao động, có xu hướng hủy bỏ cam kết để chạy theo lợi nhuận trước mắt… Do đó, không xây dựng được các chuỗi cung ứng bền chặt, sản xuất không theo tín hiệu thị trường, dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá, giải cứu…
“Đặc biệt, thời gian cao điểm dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, luồng lưu thông hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã không hoạt động bình thường, dẫn đến hiện tượng dư thừa tại vùng nguyên liệu nhưng khan thiếu ở vùng tiêu thụ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhắc lại.
Do vậy, để tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đề nghị, lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để DN sản xuất và xuất khẩu TPHCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch; mua bán hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận hàng hóa rõ ràng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, qua đó tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho DN TPHCM và các tỉnh.
“Chúng tôi cũng cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố; tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TPHCM trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh. |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng giao Sở Công thương TPHCM và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết. Song song đó, cũng là đầu mối cung cấp thông tin cho DN các địa phương tiếp tục thực hiện công tác kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo hiệu quả công tác kết nối không chỉ dừng lại trong khuôn khổ hội nghị, mà sẽ tiếp tục lan tỏa, mở rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương khác. Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM nghiên cứu đề xuất của Hội Công nghệ Cao TPHCM và các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sen đỏ) tham mưu triển khai giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử vào công tác đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý, truy xuất nguồn gốc thông tin xuất xứ hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản của Vùng. Các DN sản xuất, hệ thống phân phối và sàn thương mại điện tử TPHCM tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân kết nối giao thương, ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định. |