Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đại điện Sàn thương mại điện tử Sen Đỏ, Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), đại diện Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố như Sở Công Thương Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bình Thuận… cùng nhiều doanh nghiệp tại khu vực TP HCM và các tỉnh, thành phố với hơn 100 điểm cầu trực tuyến.
Khai mạc Hội nghị, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm tiêu biểu địa phương ở các tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh Thuận… phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn và đạt được những kết quả tích cực. Thông qua Hội nghị lần này Cục TMĐT và KTS phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM và các đối tác nhằm kết nối với các doanh nghiệp sản xuất cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực các tỉnh, thành phía Nam để phát triển kênh phân phối mới trên nền tảng thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hội nghị lần này cũng là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất Việt tìm hiểu sâu hơn về thương mại điện tử cũng như chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”, những kỹ năng bán hàng đồng thời nhận được những hỗ trợ đặc biệt từ các đối tác chiến lược cung cấp nhiều giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp.
Giới thiệu thêm cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử, ông Đặng Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Phát triển thị trường - Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) chia sẻ, là đơn vị triển khai thiết kế xây dựng, phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như Sendo, Voso (Viettel Post), với mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, “Siêu thị hàng Việt” này đã mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ giúp các nhà sản xuất hàng Việt định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên toàn quốc có thể hoàn toàn yên tâm khi mua sắm trong siêu thị hàng Việt này khi chất lượng hàng hoá được giám sát và quản lý với sự phối hợp của cơ quan chức năng địa phương
Các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được truyền thông quảng bá, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt từ các sàn thương mại điện tử, được hỗ trợ chi phí chuyển phát và hỗ trợ tài chính từ các đối tác của chương trình.
Tại Hội nghị, các chuyên gia từ Sàn thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo.vn), Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã cung cấp thông tin quan trọng đến các doanh nghiệp sản xuất Việt về phương thức vận hành, kỹ năng bán hàng trên thương mại điện tử hay những mô hình phát triển mạng lưới phân phối trên Sàn. Đồng thời, các Sàn cũng đã chia sẻ những kỹ năng, quy định cần thiết khi tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến) trên sàn TMĐT Sendo, Voso như quy trình đăng ký, mở gian hàng, hướng dẫn quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn TMĐT; hướng dẫn tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn TMĐT Sendo và Voso; giải pháp ngân hàng số, hỗ trợ tài chính (VPBank) cho doanh nghiệp tham gia "Gian hàng Việt trực tuyến".
Kết thúc Hội nghị có gần 30 doanh nghiệp đăng ký kết nối tham gia Chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trong nước và chương trình trình xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới như Công ty Cổ phần Tập Đoàn KIDO (Kinh Đô) và Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang...